Lượt đi vòng 1/8 Champions League chứng kiến nỗi thất vọng lớn của những đại diện của Premier League. Đó là điều không thể chấp nhận với giải đấu được coi hấp dẫn nhất hành tinh này nhưng đó chưa hẳn là điều quá bất ngờ…
Không hẳn là hiện tượng…
“Thất vọng” - đó là điệp khúc quá quen thuộc với những người hâm mộ Premier League trong hai tuần qua. Từ Emirates, Etihad tới Georgios Karaiskáki và cuối cùng là Turk Telecom Arena, tất cả đều chứng kiến nỗi buồn vô tận của người Anh.
Bóng đá Anh thảm bại ở Champions League |
4 trận đấu, 1 bàn thắng. Đó là thành tích không thể tồi tệ hơn với Premier League, giải đấu luôn được coi là hấp dẫn nhất trên thế giới. Rất có thể, sau vòng đấu này, sẽ có quá nửa (thậm chí là tất cả) những đại diện của giải đấu này sẽ phải rời khỏi cuộc chơi từ rất sớm.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại những năm qua, đây không phải là hiện tượng, mà nó chỉ là giai đoạn nối tiếp ở chu kỳ sự đi xuống của Premier League. Trên thực tế, sự thoái trào của giải đấu này đã tới kể từ sau mùa giải 2008/09 (khi chứng kiến tới 3 đội lọt vào bán kết) và sự đi xuống này cũng không hề diễn ra quá đột ngột.
Mùa giải 2009/10, họ không có đại diện nào ở vòng bán kết, mùa giải tiếp theo, cũng chỉ có MU góp mặt ở vòng đấu của 4 đội mạnh nhất. Sang mùa giải 2011/12, Chelsea là đại diện duy nhất sót lại ở vòng tứ kết và họ đã tiến tới ngôi vô địch (khá may mắn). Tới mùa giải trước, lần đầu tiên sau rất nhiều năm, Premier League sạch bóng ở tứ kết.
Nói vậy để thấy rằng, hãy coi những thất bại của những đại diện xứ Sương mù trong những trận đấu vừa qua là điều… quá bình thường. Bởi đó âu cũng là quy luật. Bất kỳ CLB, giải đấu nào để chứng kiến giai đoạn thoái trào sau khi lên tới đỉnh cao. Serie A từng chứng kiến thập kỷ 90 hoàng kim (thậm chí, họ từng góp tới 3 đại diện ở bán kết mùa 2002/03) rồi cũng suy tàn, nhường vị trí cho Premier League. Giờ đây, tới lượt giải đấu cao nhất nước Anh rơi vào quy luật đó.
“Premier League đang bị tẩy não!”
Trong phát biểu ngày hôm qua, Roy Keane cho biết: “Tất cả chúng ta đang bị Premier League tẩy não. Đây không còn là giải đấu hấp dẫn nhất thế giới, họ chỉ tự huyễn hoặc mình. Giờ đây, Premier League chỉ là thương hiệu bóng đá hàng đầu mà thôi”.
Trên thực tế, Roy Keane đưa ra những lời nhận xét trên không hẳn vì anh thù ghét với Premier League mà nó dựa trên chuyên môn của bình luận viên (công việc mà Roy Keane đang làm).
Rõ ràng, trong nhiều năm qua, những CLB Premier League luôn tự tạo ra “chất ma túy” gây ảo giác cho chính họ và người hâm mộ về sức mạnh bằng những khoản đầu tư khổng lồ trên thị trường chuyển nhượng.
Tuy nhiên, có một điều mà tất cả quên rằng, những ngôi sao hàng đầu thế giới đang ở đâu? Nên nhớ rằng, đội hình tiêu biểu của FIFA năm nay không xuất hiện đại diện nào của Premier League. Nếu bạn vẫn tỏ ý nghi ngờ về sự công bằng của FIFA, hãy nhìn sang đội hình tiêu biểu của UEFA. Ở đó cũng chỉ có duy nhất Gareth Bale được vinh danh (trên thực tế, cầu thủ này cũng chẳng còn thi đấu ở Premier League).
Người Anh đang tự huyễn hoặc sức mạnh của mình |
Nói vậy để thấy rằng, Premier League không thực sự chất lượng như nhiều người vẫn nghĩ. Hãy cứ chứng kiến trận đấu giữa Man City - Barcelona hay Arsenal - Bayern Munich để thấy rõ điều đó.
Bên cạnh đó, ở thời điểm này cũng khác xa so với thời hoàng kim của Premier League ở Champions League. Thời điểm đó, giải đấu này đã vươn lên nhờ sức mạnh của đồng tiền trên thị trường chuyển nhượng. Tuy nhiên, thời điểm này, họ không còn giữ vị trí độc tôn ấy.
Những túi tiền không đáy từ PSG, Monaco, Real Madrid, Bayern Munich đã thách thức tất cả. Trên thực tế, họ không chỉ có tiền mà còn tỏ ra khôn ngoan hơn những CLB hàng đầu Premier League trong những cuộc đàm phán chiêu mộ “sao”. Hãy thử hỏi lý do vì sao Falcao lại chọn Monaco thay vì Chelsea trong mùa Hè qua? Hay tại sao Gareth Bale lại nằng nặc đòi rời khỏi Premier League để tới Real Madrid? Trong những năm qua, Premier League đã bao lần chi quá 50 triệu bảng chiêu mộ 1 cầu thủ.
Sự đi xuống của Premier League ngày nay có phần tương đồng với Serie A (chỉ khác là sự sụp đổ của giải đấu này không nhanh bằng Serie A do họ vẫn còn nguồn tài chính tương đối ổn). Giải đấu cao nhất nước Anh đã vươn lên nhờ đồng tiền nhưng chính họ đang trải qua bi kịch bị “vũ khí” này phản bội. Khi hệ thống đào tạo trẻ hoạt động không tốt, sự đi xuống là điều đương nhiên.
Cuối cùng, không thể bỏ quan lý do khách quan khiến Premier League đi xuống, đó là vấn đề trọng tài. Có cảm tưởng như những “ông vua áo đen” không thực sự có cảm tình với giải đấu này. Hãy nhớ về những quyết định triệt hạ Chelsea (trước Barca mùa 2008/09), chiếc thẻ đỏ của Van Persie (trước Barca mùa 2011/12), quyết định đuổi Nani (trước Real màu 2012/13)… đề thấy rõ điều này.
Tại vòng 1/8 Champions League năm nay, họ cũng chịu những quyết định oan nghiệt của trọng tài trong trường hợp tranh cãi của Demichelis hay Szczęsny.
Tất nhiên, không thể lấy đó là lý do biện bạch về sự thất bại toàn diện của Premier League. Đã tới lúc, những đại diện hàng đầu nước Anh cần phải nhìn nhận lại chính mình và thoát khỏi “sự ảo giác” do chính mình tạo ra.